Rau má là loại thực phẩm thanh mát có thể dùng làm thức uống giải nhiệt trong những ngày hè oi nóng. Nhưng bạn có biết, nước rau má cũng đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của người sử dụng? Nó không đơn thuần chỉ là rau, mà còn là một loại thảo dược có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu quá lạm dụng sẽ đem lại hậu quả đáng sợ. Hãy cùng tìm hiểu công dụng của rau má và cách dùng đúng cách nhé
1, Cây rau má là cây gì ?
Rau má tên tiếng anh là Centella asiatica, ngoài ra nó còn có tên gọi khác là tích tuyết thảo, liên tiền thảo, địa tiền thảo, hồ quả thảo, lục địa mai hoa,..có vị đắng, tính hàn. Là loại rau chứa nhiều dưỡng, không chỉ làm thức ăn, rau má còn là nguồn dược liệu quý giúp điều trị nhiều bệnh.
Rau má không chỉ bổ dưỡng mà còn có nhiều tính năng trong việc chữa bệnh. Theo Đông y, rau má có tác dụng giải nhiệt, giải độc tuyệt vời. Loại rau này còn được dùng để hạ huyết áp, giúp lưu thông máu, nhất là ở vùng tĩnh mạch và mao mạch. Còn theo y học hiện đại, rau má có tác dụng chống lại sự lão hóa của da, thúc đẩy quá trình tái tạo tế bào da. Vì vậy, nhiều chị em đã lựa chọn chiết xuất của loại rau này trong ứng dụng làm đẹp.
2, Những công dụng tuyệt vời của cây rau má
2.1, Giải nhiệt, hạ sốt, mát gan
Rau má là loại dược thảo có tính hàn (lạnh), tân (cay), khổ (đắng) có tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan, giải độc… Uống nước rau má xay hoặc sinh tố rau má giúp đẹp da, thanh nhiệt cơ thể. Đây là công dụng thường thấy ở rau má được nhiều người biết đến.
2.2, Hỗ trợ giảm mụn nhọt, rôm sảy, ngứa ngáy
Rau má là thực phẩm có tính hàn, giải nhiệt, mát gan, thường được dùng để hỗ trợ giảm mụn nhọt, rôm sảy, ngứa ngáy,… Người dùng có thể xay rau má bằng máy xay đa năng hoặc giã nhuyễn rồi đắp lên vùng da bị tổn thương để sử dụng.
2.3, Thanh nhiệt, làm đẹp da
Rau má có thể kích thích cơ thể thải ra các độc tố, muối, nước và thậm chí là chất béo dư thừa trong cơ thể qua đường tiểu. Quá trình này giúp giảm bớt áp lực đối với thận và nhìn chung giúp thải độc tố nhanh chóng, đồng thời vẫn giữ cơ thể khỏe mạnh và cân bằng dịch.
2.4, Chữa lành vết thương, vết bỏng, làm mờ sẹo
Một công dụng khác của nước rau má đối với người sử dụng đó chính là khả năng chữa lành vết thương và làm mờ sẹo. Điều này có được là do rau má có chứa triterpenoids, một hoạt chất giúp tăng cường chất chống oxy hóa, đẩy nhanh quá trình làm lành vết thương. Giờ đây, bạn không cần phải lo lắng nhiều về những vết sẹo xấu xí trên da lúc chẳng may bị té ngã hay bị bắn dầu mỡ khi chiên thức ăn nữa.
2.5, Tăng cường trí nhớ và thị lực
Theo dân gian: Người bệnh lấy 3-5gr rau má sấy khô tán bột, uống chung với sữa. Cách này giúp tăng cường thị lực, khả năng tập trung, hỗ trợ cải thiện trí nhớ.
Ngoài những công dụng trên, rau má còn được dùng để chữa táo bón, vàng da, thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, mụn nhọt, rôm sẩy.
2.6, Giảm căng thẳng, mệt mỏi
Những bộn bề, lo toan của cuộc sống hằng ngày chắc chắn sẽ khiến bạn luôn ở trong tình trạng cơ thể mệt mỏi, tâm lý căng thẳng, stress. Việc chịu đựng tình trạng thể chất, tinh thần này trong thời gian dài sẽ không tốt cho sức khỏe của bạn.
Thật may mắn bởi trong rau má có hoạt chất triterpenoids rất tốt cho sức khỏe tinh thần và thể chất của người sử dụng. Bên cạnh đó, việc uống một ly nước rau má trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn ngủ ngon, ngủ sâu giấc, đảm bảo cho ngày làm việc hôm sau thật trà đầy năng lượng và hứng khởi.
3, Cách dùng rau má đúng cách để mang lại lợi ích tốt nhất
3.1, Không dùng liên tục quá 1 tháng
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo rằng rau má mặc dù an toàn nhưng không nên sử dụng quá 6 tuần mà không có chỉ định của bác sĩ. Lượng dùng cho một ngày của một người bình thường được các nhà khoa học khuyên dùng là 1 cốc nước rau má, tương đương 40g rau má. Tuy nhiên, không nên dùng liên tục quá 1 tháng. Nếu muốn tiếp tục dùng thì nghỉ tối thiểu nửa tháng rồi mới dùng lại.
3.2, Không dùng khi bị tiêu chảy
Rau má là loại rau có tính hàn, có công dụng giải nhiệt. Nhưng đồng thời, sử dụng nhiều cũng dễ gây ra đầy bụng và tiêu chảy. Đặc biệt với người có thân nhiệt thấp và hay lạnh bụng thì càng dễ tiêu chảy. Do đó, khi sử dụng rau má, bạn nên ăn thêm một lát gừng để làm ấm bụng và trung hòa tính hàn của rau má.
3.3, Nếu đang mắc bệnh, nên hỏi lời khuyên từ bác sỹ
Liều dùng của loại rau này có thể khác nhau đối với từng người, phụ thuộc vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe và một số vấn đề cần quan tâm khác. Hãy tham khảo ý kiến của thầy thuốc và bác sĩ để có một liều dùng thích hợp
4, Một số bài thuốc dân gian sử dụng rau má chữa bệnh
- Giải nhiệt chữa rôm sảy, mẩn ngứa, mụn nhọt…: Sử dụng 30-100g rau má tươi giã (hoặc xay) lấy nước uống hàng ngày. Có thể phối hợp rau sam, kinh giới.
- Tiểu tiện ra máu: chuẩn bị ích mẫu thảo và rau má mỗi thứ một nắm, rửa sạch, giã nát vắt lấy nước uống.
- Hành kinh đau bụng đau lưng: Sử dụng rau má khô tán bột ngày uống 2 thìa con ( tương đương khoảng 30g)
- Cảm nắng, nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn: Lấy 1 nắm rau má tươi rửa sạch, giã nhuyễn lấy nước cốt pha loãng, thêm vài hạt muối và uống. Lấy bã đắp lên trán và thái dương.
- Chữa đau bụng, tiêu chảy, lỵ: Rau má 50g, rửa sạch, giã nát trộn với nước vo gạo, vắt lấy nước cốt trong để uống.
- Chữa chảy máu cam: Rau má giã nhỏ, vắt lấy nước, uống mỗi ngày 2 – 3 lần trong 5 ngày liền.